Tác giả:
Cập nhật: 30/11/2022

STARTUPS ỨNG DỤNG AI GIẢI QUYẾT ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG

Trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp logistics ứng phó kịp thời với các sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng, theo dõi tình trạng của hàng hóa, nguyên liệu.
Trong vài năm vừa qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị xáo trộn bởi loạt những sự kiện như Brexit, dịch bệnh Covid-19, sự cố tắc kênh đào Suez cho đến chiến sự tại Ukraine.
Để ứng phó với những khó khăn này, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics đã ra đời và trở thành những doanh nghiệp tỷ USD nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Interos, Fero Labs, KlearNow là những cái tên tiêu biểu khi ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và các công nghệ tân tiến khác để giúp nhà sản xuất và khách hàng ứng phó kịp thời đối với các sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng, theo dõi tình trạng sẵn có của hàng hóa, nguyên liệu.
Interos, doanh nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất, là một trong những công ty thành công nhất trong lĩnh vực này. Công ty có trụ sở tại Arlington, Virginia (Mỹ) cho biết họ đã lập bản đồ 400 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu và sử dụng máy học (machine learning) để giám sát thay con người, cảnh báo ngay lập tức khi hỏa hoạn, lũ lụt, tấn cộng mạng hoặc bất kỳ sự kiện nào khác có khả năng gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trước khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2, Interos đã đánh giá được tác động của một cuộc xung đột. Công ty này cho biết đã xác định được khoảng 500 doanh nghiệp Mỹ có quan hệ cung cấp trực tiếp với các đầu mối ở Ukraine. Cụ thể hơn, Interos còn phát hiện 20.000 công ty Mỹ có liên kết với các nhà cung ứng cấp 2 và 100.000 công ty có liên kết với các nhà cung ứng cấp 3 tại quốc gia Đông Âu.

Bà Jennifer Bisceglie, CEO của Interos, cho biết sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, 700 công ty đã tiếp cận tới doanh nghiệp của bà để được giúp đỡ trong việc đánh giá mức độ tiếp xúc của họ với các nhà cung cấp ở Ukraine và Nga.
Bà còn chia sẻ thêm công ty đang phát triển một sản phẩm mới để giải quyết các tình huống giả định khác về gián đoạn chuỗi cung ứng, chẳng hạn như vấn đề giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan, để khách hàng hiểu được mức độ rủi ro họ có thể gặp phải và nơi tìm nhà cung cấp thay thế.
Hay như trường hợp của EED Foods, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu bánh kẹo và thịt hun khói của Cộng hòa Czech và Slovakia cho các khách hàng nước ngoài ở Anh, cho biết trước khi sự kiện Brexit diễn ra, công ty đã rất lo sợ phải đóng cửa.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi hoàn toàn sau khi EEF Foods tiếp cận đến KlearNow, một doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ, cung cấp nền tảng tự động hóa các quy trình thông quan hàng hóa, xử lý giấy tờ.
Nền tảng KlearNow đã giúp công ty theo dõi hàng trăm lô hàng từ các quốc gia Trung Âu, kiểm đếm tổng số hàng nghìn mặt hàng, xử lý các lỗi trong chứng từ như quốc gia xuất xứ, tổng trọng lượng tịnh và cung cấp số nhập cảnh để công ty vận chuyển đến Anh.

Bà Elena Ostrerova, Giám đốc mua hàng của EED Foods, cho biết công ty của mình vẫn đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 40% sau khi Brexit có hiệu lực vào đầu năm 2020, phần nào do một số đối thủ cạnh tranh đã bỏ cuộc thay vì giải quyết các thủ tục giấy tờ rắc rối để nhập khẩu từ Liên minh châu Âu.
"Chúng tôi đã giảm thiểu được nhân công, và điều đó giúp công ty tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí so với khi nhập liệu theo cách thủ công", bà Ostrerova chia sẻ.

Ông Berk Birand, CEO của Fero Labs, cho rằng đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh nhu cầu của nhà sản xuất trong việc thích ứng với các nhà cung cấp khác nhau, nguồn gốc nguyên liệu thô khác nhau.
Đáp ứng nhu cầu này, nền tảng của Feros Labs sử dụng machine learning để theo dõi và tính toán cách các nguyên liệu thô từ các nhà cung cấp khác nhau ảnh hưởng thế nào đến chất lượng sản phẩm, từ các tạp chất khác nhau trong thép hay chất liệu của các bề mặt phủ. Sau đó, hệ thống sẽ liên lạc với các kỹ sư nhà máy để điều chỉnh quy trình sản xuất nhằm duy trì tính nhất quán của sản phẩm.

Ông Dave DeWalt, người sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm NightDragon, đầu tư 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C của Interos vào năm ngoái, cho biết các nhà quản lý sẽ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến rủi ro chuỗi cung ứng.

Giới phân tích cho rằng thị trường dịch vụ công nghệ hỗ trợ chuỗi cung ứng có thể đạt giá trị hơn 20 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Đến năm 2025, hơn 80% các ứng dụng trong chuỗi cung ứng sẽ sử dụng AI và khoa học dữ liệu, theo dự báo của bộ phận phân tích Công ty nghiên cứu Gartner.

Nguồn: vnexpress