Tác giả:
Cập nhật: 21/03/2023

BÀI HỌC TỪ VỤ LỪA ĐẢO LỚN NHẤT LỊCH SỬ NGÀNH

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều đồng loạt “kêu cứu” khi có nguy cơ mất trắng khoảng 100 container hạt điều trị giá hàng trăm triệu USD vừa được xuất sang thị trường châu u với điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia (Ý). Đến nay vụ việc vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng, v.v.

100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia gặp rủi ro

Theo ghi nhận ban đầu, thông qua môi giới của Công ty TNHH Một thành viên Kim Hạnh Việt, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều đã ký hợp đồng xuất khẩu đi Ý với số tiền hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, dù một số container hàng đã cập cảng nhưng doanh nghiệp không nhận được tiền thanh toán.

Theo thông tin từ các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở Ý, 02 bộ hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam gửi tới các ngân hàng của người mua đều có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng). Sau khi ngân hàng bên mua nhận được bộ chứng từ, họ đã thông báo người mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ trên nhưng không ghi rõ hình thức gửi trả và đồng thời không cung cấp số vận đơn. Bên cạnh đó, phía các ngân hàng Việt Nam thực hiện dịch vụ ủy thác nhờ thu từ doanh nghiệp theo phương thức D/P đã chuyển bộ chứng từ gốc sang Ý; tuy nhiên, khi liên hệ với đầu mối ngân hàng bên mua tại Ý thì được thông báo rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy, không phải bản gốc.

Theo thông tin từ đại diện các ngân hàng Việt Nam cho biết, họ đều gửi chứng từ gốc qua hãng chuyển phát nhanh toàn cầu DHL. Hiện đang có 2 giả thiết được đưa ra. Trường hợp đầu tiên, bộ chứng từ gốc bị mất trong quá trình chuyển phát của DHL hoặc DHL đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển phát nhưng bộ chứng từ bị đánh tráo tại thời điểm tới ngân hàng ở Ý. Đến nay vụ việc vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng có một khả năng là bộ chứng từ đó đã bị can thiệp và bị chiếm đoạt trước khi đến tay của Ngân hàng. Như vậy, đây không phải là vấn đề về phương thức thanh toán mà đây là vấn đề về hành vi cố ý can thiệp và mang tính chất lừa đảo, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Việc chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc không hề đơn giản. Các doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ mất trắng vì người nào cần cầm trong tay bộ chứng từ gốc chỉ cần đến cảng gặp hãng vận chuyển là được nhận hàng.

Vậy đâu là bài học rút ra từ vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều?

Rủi ro khi sử dụng phương thức thanh toán D/P

Trong hoạt động thương mại cũng có nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau. Đối với hàng hóa nông sản, phương thức phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giao dịch với thị trường khu vực châu Âu, là phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P).

Có thể thấy, bên bán đã vô tình tạo điều kiện để bên mua thực hiện lửa đảo thông qua sơ hở của phương thức D/P. Khi đàm phán hợp đồng, có thể họ chưa thẩm định rõ đối tác, hoặc thông qua môi giới, bên bán hoàn toàn thiếu thông tin đối tác. Đây khả năng là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.

Thận trọng trong kinh doanh thương mại quốc tế

Trong việc thẩm định, kiểm tra người mua, các doanh nghiệp phải thật kỹ lưỡng, thông qua các cơ quan chuyên trách như: thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam phải chọn cho mình phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng, trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Vì vậy, trong các giao dịch thương mại quốc tế, để tăng sự tin tưởng và chia sẻ rủi ro, hai bên có thể thỏa thuận người mua chuyển tiền trước khoảng 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (LC). Với phương thức thanh toán này, khi hàng đến bến cảng bên mua gặp sự cố thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí nếu muốn cho hàng quay trở về.

Doanh nghiệp cần giành quyền chủ động: Bán CIF thay vì bán FOB

Một vấn đề nan giải thường được đề cập đến khi doanh nghiệp Việt Nam ít kinh nghiệm cũng như khả năng giải quyết rủi ro trong quá trình vận chuyển còn kém nên thường đẩy hết quyền thuê vận tải cho đối tác, chỉ quen nhận hàng về tận cảng (đối với nhập khẩu) hoặc đưa hàng ra đến cảng là hết trách nghiệm (xuất khẩu).

Vì vậy để tránh rủi ro như trong sự việc này, doanh nghiệp Việt Nam nên dần thay đổi, chuyển sang bán CIF thay vì bán FOB, giành quyền thuê tàu để chủ động hơn trong việc nắm lịch trình di chuyển của hàng hóa. 

Nguồn: logistician.org