Tác giả:
Cập nhật: 06/12/2022

L'OREAL THEO SÁT NHU CẦU KHÁCH HÀNG NHƯ THẾ NÀO?

L’Oréal là công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân như Garnier, Maybelline, NYX, Kiehl’s, Urban Decay, Vichy, CeraVe,…. Cùng với độ phủ sóng đáng kinh ngạc tại hơn 140 đất nước, 150 trung tâm phân phối, 42 nhà máy, 34 thương hiệu và 8 kênh phân phối (salon, nhà bán lẻ, trung tâm thương mại, drugstore, E-commerce, nhà thuốc và tại cửa hàng chính hãng) với khả năng cải tiến đến 50% dòng sản phẩm mỗi năm, công ty đã vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành trong thập kỷ qua, Top 10 “Supply Chains to Admire”.

Chiến lược phát triển và mở rộng của L’Oréal chính là một case study tiêu biểu cho Chuỗi cung ứng hoàn toàn tập trung vào khách hàng.

1. Chuỗi cung ứng phản ứng nhanh với nhu cầu khách hàng

L’Oréal nhận định nhu cầu khách hàng trong 3-5 năm gần đây thay đổi nhiều hơn cả 3 thập kỷ qua, và thời gian tập đoàn phải phản ứng lại với các xu hướng mới không được quá 6 tháng. Khi người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về xu hướng làm đẹp trên mạng xã hội và mất kiên nhẫn với một chu trình sản xuất vốn phải mất trung bình 18 tháng.

Một yếu tố nữa, vì sự nắm bắt và hiểu biết nhanh nhẹn đó, khách hàng luôn ‘google’ về sản phẩm trước khi mua. Nhu cầu về tính minh bạch ngày càng tăng lên: khách hàng mong đợi sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất. Với nhu cầu này, chiến lược Vận hành L’Oreal 4.0 đã được tích hợp với hoạt động thiết kế bao bì, mua hàng cũng như sản xuất và cung ứng, để tìm cách khai thác các công nghệ mới, như IoT, AR hoặc AI, để tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả.

Trải nghiệm khách hàng đang được sử dụng làm thước đo cho việc chuyển đổi kỹ thuật số. Theo đó, L’Oréal đã đặt ra 5 ưu tiên trung hạn: tăng tốc thiết kế, nâng cao thị phần của các sản phẩm được kết nối, tăng hiệu suất nhà máy và dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh tùy biến và biến dịch vụ chăm sóc khách hàng thành xương sống cho hoạt động kinh doanh.

2. Tăng tốc thời gian thiết kế

Để quản lý được vòng đời sản phẩm càng ngày càng ngắn, công nghệ mới được L’Oréal sử dụng ở từng giai đoạn khác nhau trong quy trình thiết kế, chẳng hạn như tăng tốc quá trình phê duyệt các mẫu thiết kế trong giai đoạn phát triển dự án. Giám đốc L’Oreal giải thích, thay vì phải thiết kế từng phần để ghép thành mẫu và thử nghiệm chúng, công ty phát triển các mô hình 3D chỉ tốn vài giờ và sử dụng các công cụ mô phỏng ảo để kiểm tra sản phẩm.

3. Phát triển những sản phẩm có khả năng kết nối

Những sản phẩm này có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc và mang lại cho người tiêu dùng cuối cùng sự minh bạch cao. Bán hơn 7 tỷ sản phẩm mỗi năm, L’Oréal đưa ra kế hoạch sử dụng khả năng kết nối để tối ưu hóa Chuỗi cung ứng toàn cầu để kiểm soát hàng tồn kho và tạo điều kiện quản lý sản phẩm ngay tại điểm bán, đồng thời, củng cố mối quan hệ bằng cách liên hệ và tương tác với người tiêu dùng.

4. Triển khai dây chuyền sản xuất linh hoạt hơn

Khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng thay đổi, công ty cần linh hoạt chuyển đổi từ hoạt động sản xuất này sang hoạt động sản xuất khác. Các dự án thí điểm dây chuyền sản xuất 4.0 đầu tiên được triển khai tại Ý, Pháp và Hoa Kỳ đã mang lại kết quả tích cực. Trong đó, nhà máy tại Lassigny đã cải tiến quá trình thay đổi định dạng sản phẩm để trở nên đơn giản hơn. Các nhà quản lý có thể quản lý chặt chẽ dây chuyền sản xuất mới dù quy trình này tạo những khác biệt cho sản phẩm cuối cùng (sắc thái, ghi nhãn, v.v.). Ví dụ, với son môi, hãng sẽ sản xuất phần “nền” của son, sau đó sẽ tùy biến màu son ngay tại những công đoạn cuối cùng.

5. Đồng sáng tạo và tùy biến để tiếp cận

Nhu cầu sử dụng sản phẩm đặc trưng dành cho riêng mình ngày càng cao khi khái niệm tùy biến được phổ biến. Và tất nhiên L’Oréal hiện thực hóa kỳ vọng đó bằng những cơ hội cho phép khách hàng đồng sáng tạo cũng hãng ngay tại điểm bán hàng, khách hàng có thể ra về với thỏi son vừa được tạo ra với màu sắc yêu thích hoặc chai nước hoa có tên của mình.

Hoặc, khách hàng hiện nay muốn sản phẩm mỹ phẩm của họ mang tính thời trang. In 3D đã biến điều này thành hiện thực, giúp công ty tạo nên những bao bì lạ mắt mà trước đây không làm được. Đồng thời, công nghệ này cũng giảm vòng quay sản xuất: từ chu kỳ phát triển sản phẩm tốn 60 ngày sang chu kỳ 15 ngày với chi phí bằng phương pháp truyền thống.

6. Biến Chuỗi cung ứng thành yếu tố định hướng kinh doanh

Bên cạnh kênh B2B truyền thống, L’Oréal dần tập trung vào B2C. Đứng trước nhu cầu phải có sản phẩm “mọi lúc, mọi nơi”, E-commerce ngày càng được đầu tư và chiếm thị phần lớn trong doanh thu bán hàng. Quản lý dữ liệu với sự giúp sức của AI là chìa khóa giá trị nhất đối với Chuỗi cung ứng của L’Oréal. Những tín hiệu nhỏ từ mạng xã hội sẽ được thu về điểm bán và tạo nên những thông tin có giá trị có thể được sử dụng để phân tích về hành vi và nhu cầu người tiêu dùng, cải thiện sản phẩm, dự đoán xu hướng và tối ưu hóa doanh số. L’Oréal đã tăng trưởng 34% trong hoạt động E-commerce trong năm 2017 và dự đoán sẽ còn tăng nữa. Hơn 38% chi phí cho hoạt động quảng cáo của công ty đã được đổ vào kỹ thuật số. Đó là cách công ty khuấy động thị trường và đảm bảo sự nhanh gọn bằng cách cho đội ngũ Chuỗi cung ứng hợp tác chặt chẽ với phòng Marketing & Sales.

7. Tất nhiên, những đổi mới này được dẫn dắt bởi những cá nhân sáng tạo

Sự chuyển đổi kỹ thuật số đã thúc đẩy các nhân viên liên tục thích ứng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xây dựng các dự án mới theo cách đột phá hơn. Bắt đầu với một khung kế hoạch trống, nhân viên sẽ áp dụng các phương pháp tiếp cận đối tác mới như startup và nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Điều này không những tạo động lực đổi mới sản phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đổi mới hoạt động kinh doanh thông qua công nghệ cho L’Oréal.

Theo supplychainsights.com & loreal.com