Tác giả: Vương Vũ
Cập nhật: 14/12/2022

DƯ ĐỊA LỚN TỪ THỊ TRƯỜNG CHUỖI CUNG ỨNG LẠNH

Hầu hết chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, do vậy, đầu tư vào trung tâm kho lạnh vẫn là một lĩnh vực có dư địa lớn.

Hiện nay, có 53,7% doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ kho bãi. Như vậy cho thấy, dịch vụ kho bãi tiếp tục là một trong những dịch vụ cung cấp chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Vấn đề được quan tâm hiện nay là công nghệ quản lý kho và vốn đầu tư phát triển kho bãi nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất và xuất nhập khẩu, nhất là kho đông lạnh và dây chuyền cung ứng hàng đông lạnh.

Năm 2021, hàng loạt chuỗi cung ứng lạnh mở thêm cơ sở tại các quốc gia, cũng như chú trọng nhiều hơn đến mức độ an toàn và khả năng thích ứng trong bối cảnh mới.

Tính đến tháng 9/2021, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Miền Trung có 1 kho lạnh với công suất 21.000 pallets và miền Bắc có 11 kho lạnh với công suất 54.780 pallets. Khoảng 80% kho lạnh có tỷ lệ sử dụng cao. Tỷ lệ sử dụng kho mát thấp. Xe lạnh, cả nước có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh.

Tuy nhiên thị trường chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam được đánh giá là mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ, kinh doanh. Trong khi đó, nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía nam do nhu cầu lớn, với khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các nghiên cứu gần đây, chỉ hơn 8% các nhà sản xuất, phân phối cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi cung ứng lạnh để bảo quản hàng hóa, và đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỉ lệ hư hỏng nông sản sau thu hoạch ở Việt Nam khá cao, chiếm đến 25,4% tổng sản lượng. Đối với thị trường xuất khẩu, các nhà sản xuất và phân phối cũng thường chịu nhiều tác động từ các yếu tố khách quan làm kéo dài quá trình đưa sản phẩm đến tay khách hàng, nhu cầu về chuỗi cung ứng lạnh không ngừng gia tăng theo quy mô sản xuất.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, mảng logistics lạnh (trong đó có kho lạnh) ở Việt Nam là phân khúc ngách của ngành logistics, nhưng đang phát triển “nóng” nhất. Trước khi có dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mảng này đã ở mức 11%-12%. Tuy nhiên, hầu hết chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, không tập trung, do vậy đầu tư vào trung tâm kho lạnh vẫn là một lĩnh vực có dư địa lớn.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là lĩnh vực lớn thứ 3 trên thế giới, là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, 30 – 50% đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy, dẫn đến tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động tối đa công suất. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy hải sản có định hướng đầu tư kho lạnh để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên chỉ rất ít những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, nguồn vốn đối ứng dồi dào mới có định hướng này, đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn vẫn có nhu cầu sử dụng chuỗi cung ứng lạnh dịch vụ, vốn đang thiếu hụt trầm trọng tại Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy Việt Nam (VASEP) nhận định, hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhìn rộng hơn, các ngành hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm… cũng có nhu cầu rất lớn, tạo thành thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ trong hệ thống logistics hiện nay.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh cũng là một thách thức lớn vì đây là ngành có chi phí đầu tư cao, đặc biệt khi xây dựng hệ thống khép kín từ kho chứa đến phương tiện vận chuyển. Thêm vào đó, những đòi hỏi về trình độ khoa học công nghệ của các bên tham gia cũng là một rào cản lớn. Vì vậy, để đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình nguồn nội lực vững vàng, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của nhà nước, không chỉ để khai thác hiệu quả thị trường tỷ đô này, mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam ngày càng phát triển.

Nhu cầu tăng đột biến đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp logistics phải tăng tốc đổi mới, ứng dụng công nghệ mới để bắt kịp các xu hướng và yêu cầu của khách hàng. Logistics chuỗi lạnh đặc biệt phải tìm cách để tăng hiệu quả trong quá trình vận chuyển. Trong ngắn hạn, logistics chuỗi lạnh sẽ tập trung vào nhóm dự trữ thực phẩm, dược phẩm và vắc-xin COVID-19 – ông Khoa nhận định.

Báo cáo của Euromonitor cho biết, độ lớn của riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển trong ngành bán lẻ của Việt Nam, không tính mảng thủy sản, ước đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2019, còn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh lên đến gần 10 tỷ USD vào năm 2020.

Nguồn: Diễn đàn Doanh Nghiệp