Tác giả:
Cập nhật: 15/12/2022

DEMAND PLANNING VÀ SUPPLY PLANNING, HOẠT ĐỘNG NÀO CÓ TRƯỚC?

Trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp tập trung vào chuỗi cung ứng cần thực hiện quy trình Lập kế hoạch nhu cầu & nguồn cung hiệu quả để tăng lợi thế cạnh tranh. Mặc dù hai chức năng có vẻ trùng lặp, nhưng điều quan trọng là phải hiểu những gì mỗi chức năng đóng góp vào hoạt động thành công của doanh nghiệp.
Có thể hiểu một cách đơn giản là: Bạn cần phải đưa ra dự báo nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, và chuyển kết quả đó đến bộ phận lập kế hoạch cung ứng. Để từ đó lên kế hoạch sản xuất hàng hóa kịp thời, đúng thời điểm, đúng thị hiếu người dùng, tránh trường hợp sản xuất “tràn lan” làm tăng lượng hàng tồn kho và gây tổn thất cho doanh nghiệp.

1. Demand Planning (Lập kế hoạch nhu cầu)

Demand Planning là một quá trình quản lý chuỗi cung ứng nhằm dự báo nhu cầu về sản phẩm để đảm bảo chúng có thể được cung cấp và làm hài lòng khách hàng. Mục tiêu của Demand planning là đạt được sự cân bằng trong việc có đủ lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà không bị thiếu hoặc thừa. Để có thể dự báo được nhu cầu mua hàng, nhà Hoạch định nhu cầu cần thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Dữ liệu có thể được lấy từ nhiều nguồn như:

  • Các số liệu hay doanh số bán hàng trước đây của doanh nghiệp
  • Xem xét các tác động bên ngoài (quảng cáo, các phương tiện truyền thông,..)
  • Hoạt động của nhà phân phối/ nhà bán lẻ (Chương trình Khuyến mãi, giảm giá,..)
  • Các hoạt động theo mùa vụ (các ngày lễ, dịp đặc biệt,..)
  • Sự thay đổi của thời tiết, dịch bệnh hay biến động kinh tế, chính trị,…

Với việc hoạch định nhu cầu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đón đầu sự thay đổi của thị trường và đưa ra quyết định chủ động hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

2. Supply Planning (Lập kế hoạch cung ứng)

Lập kế hoạch cung ứng là thành phần của quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến việc xác định cách thức hoàn thành tốt nhất các yêu cầu được tạo ra từ kế hoạch nhu cầu . Nó là toàn bộ quá trình lập kế hoạch bao gồm các hoạt động phân phối, sản xuất và mua sắm theo dự báo nhu cầu, xem xét các hạn chế về năng lực và khả năng sẵn có của nguyên vật liệu. Các mục tiêu chính trong lập kế hoạch cung ứng là kiểm soát chi phí, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, quản lý rủi ro và thu thập thông tin hiệu quả để sử dụng trong các quyết định kinh doanh chiến lược.

Các phương pháp tối ưu nhất để lập kế hoạch cung ứng là hình thành một cấu trúc cung ứng đáp ứng nhu cầu bằng việc cân nhắc và điều chỉnh các yếu tố chính sách bảo trì và tồn kho, các thông số sản xuất và tìm nguồn cung ứng (lead time, số lượng đặt hàng tối thiểu, quy mô lô hàng, …).

3. Cách Demand Planning và Supply Planning tác động đến doanh nghiệp

Suppliers/Vendors: Người lập kế hoạch có thể nhanh chóng liên hệ với các nhà cung cấp phù hợp dựa trên kế hoạch nhu cầu. Từ đó, chuẩn bị kế hoạch sớm hơn và có nhiều thời gian để thương lượng những điều khoản có lợi cho cả doanh nghiệp và nhà cung ứng. Hơn hết tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp.

Hàng tồn kho:  Nắm bắt được các số liệu tồn kho được cung cấp bởi nhà lập kế hoạch cung ứng sẽ giúp hạn chế việc thiếu hụt hay dư thừa hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp như: giảm doanh số bán hàng, Rủi ro trả tiền phạt cho các nhà bán lẻ theo hợp đồng,…trong trường hợp thiếu hàng. Ngược lại nếu số lượng hàng hóa quá nhiều sẽ gây ra những vấn đề như: giảm không gian chứa hàng, có khả năng tốn chi phí thuê kho chứa hàng tồn kho, tăng nguy cơ sản phẩm lỗi thời nếu thời hạn sử dụng bị hạn chế, phải giảm giá để giải phóng lượng hàng dư thừa, ảnh hưởng đến lợi nhuận,…

Sản xuất: Nhân sự Supply Planning sẽ lên kế hoạch sản xuất dựa trên lượng hàng tồn kho hiện tại, nhà cung cấp và dự báo nhu cầu. Đồng thời lên kế hoạch phân bổ nguồn lực hiệu quả, giúp các quá trình của chuỗi cung ứng diễn ra trôi chảy hơn.

Dịch vụ khách hàng: Doanh nghiệp có thể khiến khách hàng hài lòng nếu họ cung cấp cho họ chính xác những gì họ cần. Kế hoạch nhu cầu giúp các nhà hoạch định cung ứng hiểu được các mô hình nhu cầu của khách hàng và lập kế hoạch cung ứng cho phù hợp. Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém có thể khiến khách hàng bỏ đi nơi khác

4. Tạm kết:

Demand Planning hay Supply Planning đều là những hoạt động quan trọng của chuỗi cung ứng. Cả 2 hoạt động  có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đều hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cân bằng cung cầu, điều tiết lượng hàng tồn kho. Việc lập kế hoạch cần được thực hiện trước để gửi các số liệu cần thiết đến bộ phận lập kế hoạch cho việc sản xuất theo đúng dự báo nhu cầu đã lập ra.

Nếu không có kế hoạch nhu cầu thích hợp, nhà hoạch định cung ứng sẽ không không lập được kế hoạch sản xuất dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ trong sản xuất hay dư thừa hàng tồn kho. Lượng hàng tồn kho quá ít đồng nghĩa với việc nhường khách hàng cho đối thủ. Ngược lại, lượng hàng tồn kho quá nhiều, doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí như chi phí lưu trữ, phí vận chuyển hàng tồn kho,…. Chính vì vậy, việc lập kế hoạch cung cầu trong chuỗi cung ứng là hết sức cần thiết và là nền tảng cho chuỗi cung ứng một chuỗi cung ứng hiệu quả và tinh gọn

Nguồn: vilas.edu.vn